TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
————————————————— | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
——————————————————————————————— |
Số: /2020/TT-TANDTC (Dự thảo) | Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN, BỔ NHIỆM, BỔ NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM; CẤP VÀ THU HỒI THẺ HÒA GIẢI VIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 16 tháng 6 năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư quy định quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên; việc cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên tại Tòa án.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên;
2. Cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và người có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên; trong việc tổ chức, thực hiện việc cấp, đổi, thu hồi thẻ Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Công tác bổ nhiệm hòa giải viên phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, phân cấp và quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định.
2. Việc cấp, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận Hòa giải viên phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và thống nhất trong Tòa án nhân dân.
3. Giấy chứng nhận Hòa giải viên được cấp cho Hòa giải viên để sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không được sử dụng vào mục đích tư lợi hoặc việc riêng.
Điều 4. Định biên số lượng Hòa giải viên
Số lượng Hòa giải viên tương ứng với số lượng vụ việc được thụ lý của từng Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể như sau:
- Số lượng vụ, việc thụ lý dưới 100 vụ việc/năm: 01 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 100 - 300 vụ việc/năm: 02 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 300 - 500 vụ việc/năm: 03 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 500 - 700 vụ việc/năm: 04 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 700 - 1000 vụ việc/năm: 05 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 1000 - 1500 vụ việc/năm: 07 Hòa giải viên.
- Số lượng vụ, việc thụ lý từ 1500 - 2000 vụ việc/năm: 09 Hòa giải viên.
Đối với các Tòa án có trên 2000 vụ, việc/năm thì cứ tăng thêm 250 vụ, việc/năm được bổ sung thêm 01 Hòa giải viên.
Điều 5. Tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
1. Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
2. Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
3. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
4. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.
Điều 6. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm
1. Hồ sơ cá nhân đề nghị bổ nhiệm hòa giải viên gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị bổ nhiệm;
b) Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 do Bộ Nội vụ ban hành (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm);
c) Phiếu lý lịch tư pháp (được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm);
d) Giấy chứng nhận sức khỏe (do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, có giá trị trong 06 tháng);
đ) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đã từng là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tácc.
e) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại (đối với các trường hợp chưa làm Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên);
g) Các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ … (do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận).
Tất cả các thành phần hồ sơ nêu trên phải được cho vào 01 túi đựng hồ sơ, bên ngoài túi đựng hồ sơ ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của người đề nghị bổ nhiệm.
2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên bao gồm các tài liệu sau:
a) Hồ sơ cá nhân đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên;
b) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên của Tòa án nhân dân nơi Hòa giải viên có nguyện vọng làm việc.
Điều 7. Quy trình bổ nhiệm
1. Thông báo nhu cầu tuyển chọn hòa giải viên
Trên cơ sở nhu cầu thực tế, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp huyện), Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên. Thông báo được niêm yết công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trụ sở của Tòa án nhân dân nơi có nhu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết.
2. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên
Người có đủ điều kiện theo Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên. Tòa án nhân dân nơi nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra hồ sơ và thực hiện tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ theo quy định.
3. Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên
Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm Hòa giải viên, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện, lập tờ trình đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên.
Trường hợp không đáp ứng điều kiện để bổ nhiệm hòa giải viên thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản về việc từ chối bổ nhiệm và nêu rõ lý do.
4. Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức – Cán bộ) để quản lý theo quy định, (và qua Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao) để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 8. Các trường hợp không được bổ nhiệm Hòa giải viên
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
1. Không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư này;
2. Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.
Điều 9. Điều kiện bổ nhiệm lại
Hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ được xem xét, bổ nhiệm lại khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Được Tòa án nhân dân nơi Hòa giải viên công tác đánh giá, nhận xét là hoàn thành nhiệm vụ;
2. Có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ;
3. Nhu cầu công tác của Tòa án nhân dân nơi Hòa giải viên làm việc.
Điều 10. Quy trình bổ nhiệm lại
Chậm nhất là 02 tháng trước ngày hết nhiệm kỳ, Hòa giải viên có nguyện vọng tiếp tục công tác, nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại cho Tòa án nhân dân nơi mình công tác. Căn cứ nhu cầu thực tế, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hòa giải viên, Tòa án nơi Hòa giải viên công tác trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét bổ nhiệm lại theo quy định.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm lại Hòa giải viên. Quyết định bổ nhiệm lại Hòa giải viên phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết nhiệm kỳ làm Hòa giải viên.
Trường hợp không đáp ứng điều kiện để bổ nhiệm lại Hòa giải viên thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản về việc từ chối bổ nhiệm lại và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm lại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức – Cán bộ) để quản lý theo quy định, (và qua Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao) để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 11. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại
1. Hồ sơ cá nhân của người đề nghị bổ nhiệm lại:
a) Đơn đề nghị bổ nhiệm lại;
b) Giấy chứng nhận sức khỏe (do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, có giá trị trong 6 tháng);
c) Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại trong nhiệm kỳ của Hòa giải viên.
2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại bao gồm các tài liệu sau:
a) Hồ sơ cá nhân của người đề nghị bổ nhiệm lại;
b) Đánh giá, nhận xét của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.
Điều 12. Các trường hợp không bổ nhiệm lại
1. Không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ;
2. Không hoàn thành nhiệm vụ;
3. Thuộc 10% tổng số Hòa giải viên nơi họ làm việc mà trong 02 năm có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất, cần được thay thế.
Điều 13. Miễn nhiệm Hòa giải viên
Hòa giải viên bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Hòa giải viên có đơn xin thôi làm Hòa giải viên vì lý do cá nhân;
2. Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 5 hoặc thuộc trường hợp quy định tại Điều 8 của Thông tư này.
3. Hòa giải viên vi phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.
Điều 14. Thủ tục miễn nhiệm
Đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân cấp huyện, khi có căn cứ miễn nhiệm, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên.
Đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, khi có căn cứ miễn nhiệm, đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên.
Quyết định miễn nhiệm được gửi cho người bị miễn nhiệm, Tòa án nơi họ làm việc, đồng thời niêm yết công khai trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Tòa án nơi họ làm việc.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định miễn nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xóa tên Hòa giải viên bị miễn nhiệm khỏi danh sách Hòa giải viên, đồng thời gửi đến Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức – Cán bộ) để báo cáo theo quy định, (qua Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao) để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm
1. Tờ trình về việc đề nghị miễn nhiệm của Tòa án nhân dân nơi Hòa giải viên làm việc.
2. Các tài liệu làm căn cứ cho việc miễn nhiệm như: Đơn xin thôi làm hòa giải viên; Giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền; Giấy tờ xác nhận Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại bị làm giả; Văn bản xác nhận đang là cán bộ, công chức, viên chức …
Điều 16. Thẻ Hòa giải viên
1. Thẻ Hòa giải viên được cấp cho người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên tại các Tòa án nhân dân.
2. Mẫu Thẻ Hòa giải viên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định, cụ thể như sau:
a) Kích thước: chiều dài 95 mm, chiều rộng 62 mm;
b) Mặt trước: nền xanh, trên cùng là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” phông chữ VnArialH đậm, màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 10; ở giữa là logo Tòa án có đường kính 20 mm; phía dưới logo Tòa án là dòng chữ “THẺ HÒA GIẢI VIÊN” phông chữ VnArialH, màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 13
c) Mặt sau: nền trắng có hoa văn chìm, màu vàng; ở giữa có hình trống đồng in chìm; góc trên bên trái có logo Tòa án, đường kính 9.8 mm; góc dưới bên trái có ảnh của Hòa giải viên cỡ 20x30 mm; có thông tin về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nhiệm kỳ, nơi làm việc của Hòa giải viên, ngày cấp Thẻ Hòa giải viên. Ảnh được đóng dấu chìm của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 17. Thẩm quyền cấp Thẻ Hòa giải viên
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cấp Thẻ Hòa giải viên cho người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp mới Thẻ Hòa giải viên
1. Người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên làm tờ khai đề nghị cấp Thẻ Hòa giải viên (kèm theo 02 ảnh 20 x 30 mm có túi đựng, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh ở phía sau của ảnh) gửi Tòa án nơi mình công tác.
2. Tòa án nơi Hòa giải viên công tác tiếp nhận tờ khai, kiểm tra đối chiếu thông tin, xác nhận vào tờ khai xin cấp thẻ của Hòa giải viên và gửi tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo địa giới hành chính.
3. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai đề nghị cấp thẻ, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp Thẻ Hòa giải viên cho các đối tượng theo đúng quy định tại Thông tư này.
4. Đối với Hòa giải viên làm việc tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận tờ khai, kiểm tra đối chiếu thông tin, xác nhận vào tờ khai xin cấp thẻ và thực hiện việc cấp thẻ Hòa giải viên theo đúng quy định.
Điều 19. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên
1. Khi thay đổi thông tin trong Thẻ Hòa giải viên (ngày tháng năm sinh ...).
2. Các thông tin trong Thẻ Hòa giải viên đã cấp bị sai sót.
3. Thẻ Hòa giải viên bị mất, bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng.
4. Hòa giải viên được bổ nhiệm lại.
Điều 20. Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên
1. Hòa giải viên làm tờ khai đề nghị được cấp đổi, cấp lại Thẻ (kèm theo 02 ảnh 20 x 30 mm có túi đựng, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh ở phía sau), đồng thời cung cấp các giấy tờ, tài liệu hợp pháp chứng minh Thẻ Hòa giải viên đã được cấp có sai sót thông tin hoặc có bản giải trình về việc các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng.
2. Việc cấp đổi, cấp lại Thẻ Hòa giải viên được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.
Điều 21. Thu hồi Thẻ Hòa giải viên
1. Các trường hợp thu hồi Thẻ Hòa giải viên:
a) Được cấp không đúng đối tượng;
b) Bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng;
c) Hòa giải viên bị miễn nhiệm;
d) Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên;
đ) Hòa giải viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Việc thu hồi và hủy Thẻ Hòa giải viên do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định.
Điều 22. Xử lý vi phạm
Hòa giải viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả mà bị miễn nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 23. Đối tượng khen thưởng
Hòa giải viên tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Điều 24. Hình thức khen thưởng đối với Hòa giải viên
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”;
2. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
3. Giấy khen.
Điều 25. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”
Cá nhân làm công tác Hòa giải viên tại các Tòa án có thời gian làm công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ đủ 06 năm trở lên (trừ các trường hợp đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”); đồng thời, đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn khác liên quan theo quy định tại Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”.
Điều 26. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
1. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để tặng cho cá nhân là Hòa giải viên lập được thành tích thường xuyên hoặc thành tích đột xuất.
2. Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để tặng cho cá nhân là Hòa giải viên gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn. Cụ thể:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
b) Trực tiếp “hòa giải, đối thoại thành” các vụ, việc được phân công theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt từ 70% trở lên;
c) Có 02 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Thủ trưởng cơ quan quản lý xác nhận, có 02 sáng kiến, giải pháp áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở được Hội đồng Khoa học - Sáng kiến cơ sở công nhận.
Điều 27. Giấy khen
1. Giấy khen để tặng cho cá nhân là Hòa giải viên lập được thành tích thường xuyên hoặc thành tích đột xuất.
2. Giấy khen để tặng cho Hòa giải viên đạt một trong các tiêu chuẩn. Cụ thể:
a) Có thành tích trong các phong trào thi đua;
b) Lập thành tích đột xuất;
c) Hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 28. Thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ và thời gian đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng
Thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ và thời gian đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng của Hòa giải viên tại Tòa án các cấp thực hiện theo quy định chung.
Điều 29. Ban hành các biểu mẫu văn bản
Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu văn bản về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên; cấp và đổi thẻ Hòa giải viên sau đây:
1. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 01);
2. Tờ trình đề nghị bổ nhiệm lại (Mẫu số 02);
3. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hòa giải viên (Mẫu số 03);
4. Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 04);
5. Quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên (Mẫu số 05);
6. Mẫu thẻ Hòa giải viên (Mẫu số 06);
7. Tờ trình đề nghị cấp thẻ Hòa giải viên (Mẫu số 07);
8. Tờ trình đề nghị cấp đổi, cấp lại Hòa giải viên (Mẫu số 08).
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng 01 năm 2021.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- TAND và TAQS các cấp;
- Thành viên HĐTP TANDTC; - Các đơn vị trực thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC. | | CHÁNH ÁN
Nguyễn Hòa Bình
|